Bệnh cao huyết áp có ảnh hưởng gì tới thận?

Khi một người bị cao huyết áp đồng nghĩa với việc trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để bơm máu và oxy cho cơ thể. Bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị. Trong những trường hợp nặng, thậm chí cao huyết áp còn có thể dẫn tới  nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy thận. Thận là một trong những cơ quan chịu tác động của tình trạng huyết áp tăng cao. Do đó nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và theo dõi các dấu hiệu của bệnh thận nếu có để kịp thời điều trị, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh cao huyết áp có ảnh hưởng gì tới thận?

Cao huyết áp nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương các mạch máu cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng tới thận. Khi sự cung cấp máu đến thận giảm, thận không thể loại bỏ được chất thải và chất lỏng dư thừa như bình thường. Ngược lại khi chất lỏng trong cơ thể tích trữ lại và không được đào thải ra ngoài lại khiến cho huyết áp tăng cao. Cứ như thế sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn và ảnh hưởng trực tiếp tới nhau.

Bệnh thận mạn tính

Như đã nêu trên, cao huyết áp sẽ khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn , gây áp lực lên thành mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả mạch máu trong thận. Từ đó, gây ảnh hưởng tới chức năng lọc của thận trong việc đào thải các chất cặn bã và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ gây ra bệnh thận mạn tính. Với những người đã mắc bệnh thận trước khi phát triển cao huyết áp, thận sẽ ngày càng suy yếu. Theo nghiên cứu của American Association of Kidney Patients, điều trị cao huyết áp có thể làm chậm lại tiến triển của bệnh thận.

Suy thận

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của cao huyết áp là suy thận. Tại thời điểm này, nhiều trường hợp phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Rò rỉ protein

Khi chức năng lọc của thận có vấn đề do ảnh hưởng của cao huyết áp, protein có thể bị rò rỉ vào nước tiểu của người bệnh. Nếu lượng lớn protein bị mất thông qua nước tiểu, mức protein trong máu (còn được gọi là albumin) sẽ giảm mạnh, dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng là hội chứng thận hư. Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ giữ tích tụ nước, gây ra hiện tượng chân sưng, mệt mỏi và chán ăn. Đôi khi những cục máu đông có thể hình thành trong bắp chân và phổi, sẽ gây tử vong nếu không được phát hiện sớm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét